Học bền vững để làm gì cho đời

“You are a dream come true for me” 

Các bạn chính là giấc mơ thành hiện thực của tôi

Đây là lời mở đầu mà thầy Goran Broman, người sáng lập ra chương trình tôi đang học, nói với chúng tôi vào buổi đầu tiên tới lớp để bắt đầu năm học mới.

Một tuần sau khi rời khỏi Hà Nội, tôi đã đi gần 8000km đến Thụy Điển để quay lại ghế nhà trường sau ba năm đi làm. Hiện tôi đang học Master’s in Strategic Leadership towards Sustainability (MSLS) — tạm dịch là Thạc sĩ ngành Lãnh đạo Chiến lược hướng tới Bền vững —  tại trường Blekinge Technical Institute (BTH) ở Karlskrona, một thành phố nhỏ phía nam Thụy Điển. 

Trong buổi lên lớp đầu tiên, thầy Goran chia sẻ câu chuyện về con đường hình thành và phát triển của chương trình MSLS mà chúng tôi sẽ học. Thầy là một người sắc sảo với vẻ ngoài trẻ hơn tuổi thực. Theo lời thầy kể, mặc dù xuất phát điểm học ngành kỹ thuật nhưng thầy rất quan tâm đến môi trường. Khi trưởng thành và hiểu hơn về cuộc sống, thầy nhận thấy có nhiều vấn đề trong hướng phát triển của nhân loại hiện nay. Sự thật là các thế hệ sau đang phải đối mặt với vô vàn thách thức để lại từ lối sống thiếu suy nghĩ của các thế hệ trước. Chúng ta sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể đảm bảo tương lai cho con em ta sau này.

Đó là lý do chương trình MSLS mà tôi đang học ra đời. Thầy Goran, mặc dù rất bận rộn — và hôm đó còn bị cảm cúm — hàng năm vẫn đích thân đến đón chào và cảm ơn cả lớp trước khi bắt đầu chương trình.  

Thầy giải thích rằng việc chúng tôi sẵn sàng bỏ ra 1 năm cuộc đời mình để đến một nơi xa xôi như Thụy Điển để tìm hiểu và đối mặt với những sự thật khó dễ trên chính là giấc mơ thành hiện thực đối với thầy.  

Học Bền vững để làm gì cho đời?

Có thể nói chủ đề bền vững là một trong những thứ nhiều người biết đến nhưng ít người thật sự hiểu nó là gì. Thử hỏi, sống bền vững nghĩa là gì? Thế nào là phát triển bền vững? Đây cũng là những câu hỏi tôi đã ấp ủ từ lâu khi lớn lên và đi làm. Khi tôi chia sẻ việc mình đi học ngành bền vững với một số bạn của mình ở Việt Nam thì họ nhìn tối với con mắt tròn đầy…hỏi chấm? Chắc hẳn đây không phải ngành “hot” mà mọi người thường nghĩ đến khi đi du học thạc sĩ như ngành quản trị kinh doanh, y học hay tài chính mà có thể cho bạn nhiều tiền hay nhiều sĩ diễn khi có việc làm. 

Bản thân tôi thì khi nghe thấy ai bảo điều gì là lạ hoặc kỳ thì đầu tôi ngay lập tức nói…LÀM ĐI. Có thể là tôi thích hơi ngược đời tí, nhưng mặt khác thì nó cũng đến từ trải nghiệm sống ở xã hội Việt Nam của tôi. Một nơi đôi khi thấy rất nhiều điều tuyệt vời, nhưng những điều bức xúc thì hàng ngày phải luôn phải đối mặt với. 

Trong 2 tháng đầu tiên tôi học ở Thụy Điển này, bọn tôi học và nói rất nhiều về những vấn đề nổi cộm đang diễn ra trên trái đất hiện nay như: tình trạng gia tăng dân số toàn cầu, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt đến tận cùng bởi nhu cầu vô hạn của con người. Hậu quả mà thế giới đang đối mặt là tình trạng biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên rất nhanh, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai ngày càng nhiều và khó dự đoán hơn trước. Nhiều quốc gia trên thế giới phải vật lộn giải quyết hậu quả của tình trạng nước biển dâng cao gây ngập mặn. Về mặt xã hội, tuy loài người ngày nay đang giàu có hơn bao giờ hết về của cải vật chất, nhưng còn rất nhiều người vẫn đang phải sống trong xã hội thiếu công bằng, bị tước mất quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin, nạn tham nhũng và lộng quyền hoành hành, cản trở họ cố một cuộc sống tử tế.  

Các điều trên là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Còn ở Việt Nam, thì nước ta được dự tính là một trong những nước phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu nặng nề nhất. Vì vậy việc bản thân tôi chọn đi du học về ngành Bền vững còn có tí chút “tìm đường cứu nước” trong mong muốn của tôi. 

Trong chia sẻ: Du học Thụy Điển – Con đường từ “biết” tới “thấu hiểu” tác giả Nguyễn Tuấn Lương, Thạc sĩ chương trình Lãnh đạo Chiến lược hướng tới Bền vững

Phần 1: Học bền vững để làm gì cho đời

Phần 2: Con đường tới Thụy Điển

Phần 3: Cuộc sống và con người Thụy Điển

Phần 4: Môi trường nuôi dưỡng trí tò mò


    Viết bình luận