Con đường đến Thụy Điển

Để hiểu được vì sao tôi mò đến tận Thụy Điển học về Bền vững thì ta cần quay kim đồng hồ ngược thời gian về quá khứ một chút. Tôi xuất thân từ một gia đình có truyền thống học vấn cao, cả bố mẹ tôi đều là những người có bằng cấp Tiến Sĩ và Thạc Sĩ từ những trường danh giá trên thế giới, họ từng đi học và làm việc ở khắp nơi trên thế giới. 

Trong lúc lớn lên, Bố tôi luôn nhấn mạnh việc PHẢI học, biết nhiều, có bằng cấp cao thì xã hội mới tôn trọng. Có thể đây là ảnh hưởng văn hóa nho giáo trong tư duy của bậc phụ huynh, nhưng bản thân tôi thì luôn cảm thấy có gì đó sai sai ở cách suy nghĩ này. Liệu chúng ta học để có thể ra vẻ tri thức rồi lấy mấy tờ giấy lòe thiên hạ hay là học để trở thành con người tốt hơn?

Phần Lan – Ý – Hà Nội – Thụy Điển

Đối với tôi thì việc sống ở nước ngoài không phải là một điều quá lạ, tôi đã từng có 10 năm sống ở Phần Lan và Ý. Thú thật là viết bài này bằng tiếng Việt cũng là một thử thách lớn với bản thân. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Phần Lan thì tôi đã quyết định quay lại Việt Nam để kết nối lại với quê hương của mình. Sau nhiều năm rời nước thì ấn tượng đầu tiên của tôi khi quay lại Hà Nội là sự phát triển chóng mặt của thành phố này.

Gần như tôi không còn nhận ra đây là nơi tôi sinh ra nữa, sau 20 năm đổi mới, thì gần như thứ gì nước ngoài có thì giờ đây ở ta cũng có thể tìm thấy ở Việt Nam. 

Tiếc thay là sự phấn khởi này nhanh chóng trở thành sự thất vọng. Nếu như thứ đập vào mắt đầu tiên của một người rời nước lâu là các tòa nhà cao tầng hoành tráng, thì điều thứ hai đập vào…mũi tôi là khói bụi, ô nhiễm môi trường đến ngạt thở của Hà Nội. Phải chăng đây là “văn minh” đô thị? Để các thế hệ sau có nhiều 4 bức tường bê tông hơn còn thiên nhiên và không khí trong sạch thì ít đi? Chúng ta đã lỡ đánh mất đi cái gì cho sự phát triển?  

Đây là lý do khiến tôi ấp ủ trong bản thân mong muốn tìm một con đường phát triển khác cho xã hội ta. Tình cờ một ngày đẹp trời, Narayan, người bạn Brazil của tôi ở Hà Nội mời tôi tham gia sự kiện Art of Hosting tổ chức đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một sự kiện cộng đồng phi lợi nhuận để giúp mọi người phát triển khả năng participatory leadership, một phương pháp lãnh đạo qua các cuộc hội thoại, nhằm động viên sự tham gia và làm chủ trách nhiệm của mọi người.  Tại đây tôi đã phát hiện ra một thế giới mới mà tôi chưa từng biết đến, gặp rất nhiều người truyền cảm hứng, và trong số đó là cô Tracy, người từng làm điều hành chương trình MSLS tôi học hiện nay. Sau khi nghe tôi giới thiệu về bản thân và trải nghiệm của tôi từ Phần Lan về Việt Nam, cô ấy nói với tôi là MSLS sẽ rất phù hợp với điều tôi đang muốn tìm và nếu tôi đăng ký học thì cô ấy sẵn sàng viết thư giới thiệu cho. Thế là 1 lần nữa, Bắc Âu lại kêu gọi tôi quay trở lại nơi này. Nhờ có lời động viên và giới thiệu này, tôi đã đăng ký đi học thạc sĩ tại Thụy Điển và may mắn chúng được học bổng toàn phần từ Swedish Institute. 

Trong chia sẻ: Du học Thụy Điển – Con đường từ “biết” tới “thấu hiểu” tác giả Nguyễn Tuấn Lương, Thạc sĩ Lãnh đạo vì phát triển bền vững

Phần 1: Học bền vững để làm gì cho đời

Phần 2: Con đường tới Thụy Điển

Phần 3: Cuộc sống và con người Thụy Điển

Phần 4: Môi trường nuôi dưỡng trí tò mò


Viết bình luận