Cuộc sống và con người Thụy Điển

Cuộc sống và con người Thụy Điển

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Thụy Điển là một nước trong sạch và rất quy củ, nếu nhìn qua bề ngoài với một môi trường sạch như vậy thì cảm thấy rất yên bình và chả có điều gì cần phải lo lắng cả. Mặc dù vậy các thầy và bạn Thụy Điển của tôi — một trong những nước hàng đầu thế giới về xây dựng xã hội công bằng và thân thiện với môi trường — vẫn luôn cho rằng họ làm chưa đủ tốt để có một xã hội bền vững cho các thế hệ sau. Điều gì khiến họ phải khổ tâm chằn vặt bản thân như vậy? 

Khi bắt đầu giao tiếp và hiểu hơn về con người Thụy Điển thì điều đầu tiên tôi cảm nhận thấy đó là mức cầu toàn và ý thức vì cộng đồng rất cao của từng người. Đi kèm theo cá tính này, xã hội Thụy Điển có mức độ tin tưởng rất cao và tôn trọng sự bình đẳng. Đây là một trong những điều dường như hiển nhiên khi bạn đến Thụy Điển, mọi người rất tin nhau, họ có thể an tâm để xe đạp ngoài đường không cần khóa hoặc nếu làm rơi ví thì việc tìm lại ví của mình với toàn bộ số tiền nguyên vẹn là hoàn toàn có thể. Trong cuộc sống khi tiếp cận với các dịch vụ công thì thái độ của những cán bộ công quyền luôn là khiêm tốn, lắng nghe và động viên mọi người chia sẻ quan điểm của mình cho dù nó có thể không dễ nghe.

Điều này cũng được phản ánh rõ nét trong văn hóa của trường tôi, về cơ sở vật chất trường có các phòng thí nghiệm được trang bị những công nghệ hiện đại nhất như máy in 3D, phòng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo, xưởng làm gỗ, thép, điện máy. Tất cả các phòng thí nghiệm đều mở cửa tự do cho học sinh tới sử dụng, kể cả khi họ không học ngành kỹ thuật.

Nhưng với tôi thì thứ quý giá nhất mà trường mang lại không phải là cơ sở vật chất hiện đại, mà là văn hóa tin cậy và sẵn sàng chia sẻ của mọi người nơi đây. Dù trong những phòng thí nghiệm này có nhiều máy móc trị giá lên tới 20-40,000 USD, nhưng các thầy cô đều rất tin tưởng cho sinh viên tự sử dụng và trao quyền quản lý cho sinh viên. Có lẽ nhờ vậy mà các bạn sinh viên có ý thức rất cao trong việc sử dụng các trang thiết bị của trường.  

Trong chia sẻ: Du học Thụy Điển – Con đường từ “biết” tới “thấu hiểu” tác giả Nguyễn Tuấn Lương, Thạc sĩ Lãnh đạo vì phát triển bền vững

Phần 1: Học bền vững để làm gì cho đời

Phần 2: Con đường tới Thụy Điển

Phần 3: Cuộc sống và con người Thụy Điển

Phần 4: Môi trường nuôi dưỡng trí tò mò


    Viết bình luận