Ai đó đã nói những điều quý giá thường đến từ những nơi ta ít để tâm nhất. Trong quá trình học ở Thụy Điển nói riêng và trong cuộc đời học sinh – sinh viên của mình, tôi nhận ra rằng những bài học quý giá nhất mà tôi thu nhận được thường là trong những phút giây bên ngoài lớp học, khi tham gia vào các hoạt động ngoại khóa.
Một trong những chủ đề chính bọn tôi học là kỹ năng Leading in Complexity ( tạm dịch là Cách lãnh đạo trong thế giới phức hợp). Với những kỹ năng mềm này, bạn có thể đọc về nó cả đời nhưng đọc nhiều thì may ra biết lắm từ thôi chứ chưa chắc đã hiểu được vấn đề. Để áp dụng điều này trong cuộc sống, mình cần ý thức được những cơ hội để mình áp dụng và thực hành thứ mình biết trong cuộc sống. Nhiều người cứ nghĩ việc lãnh đạo là gì to tát, đao to búa lớn chỉ đạo quân đánh đông, kích tây. Nhưng thật ra nó có thể hiện diện bằng những cách rất đơn giản hàng ngày như chủ động rủ mọi người tụ tập nấu ăn hay đôi khi nó có thể tinh tế hơn như đặt những câu hỏi sắc bén để giúp bạn mình nhìn thấy một khía cạnh mới của vấn đề.
Sở dĩ bản chất của việc lãnh đạo chẳng phải là việc tụ tập năng lượng của nhóm (hay bản thân) để biến một ý tưởng thành hiện thực sao? Đối với tôi, lãnh đạo là một nghệ thuật bao gồm khả năng lắng nghe, chia sẻ ý kiến, và dẫn dắt nhóm theo một định hướng nhất định để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Cụ thể hơn, lãnh đạo có thể là đứng ra tổ chức một buổi nấu ăn sao cho mọi người cảm thấy ai cũng có thể đóng góp một cách tích cực và không ai cảm thấy bị bỏ rơi. Nếu bạn từng thử nấu bếp với nhiều người thì bạn sẽ hiểu đây không hề là việc đơn giản. Nhiều chân nhiều tay đôi khi vướng hơn là để một người làm, nhưng nếu cả nhóm hiểu nhau và kết hợp tốt thì thành quả luôn lớn hơn thứ 1 người có thể làm được. Mấu chốt ở đây là làm sao tạo được một không gian để mọi người có thể kết hợp ăn ý, điều này chỉ có thể xảy ra khi mọi người lắng nghe nhau và có một cái nhìn nhận chung về vấn đề.
May mắn là các bạn trong lớp tôi đều rất nhiều ý tưởng và năng lượng tổ chức tụ tập. Chúng tôi có cuộc sống như trong một ngôi làng nhỏ, hàng ngày thậm chí còn có tiết mục “Village News” (bản tin làng) để thông báo chung về những việc liên quan đến sinh viên của lớp như dọn vệ sinh, nhóm học tập, tổ chức chơi cầu lông hoặc đi dã ngoại, hay cùng nhau nấu ăn. Mặc dù lượng kiến thức bọn tôi phải học rất lớn, các thầy cô thiết kế chương trình cố tình để rảnh một số tiết hoặc ngày trong tuần để chúng tôi không phải lên lớp và tự tổ chức hoạt động với nhau. Việc có không gian để “thở” tự tổ chức hoạt động ngoại khóa cũng là cơ hội vô cùng quý giá để tôi phát triển khả năng lãnh đạo của mình.
Lời kết
Việc có cơ hội học ở MSLS quả thật là một giấc mơ thành hiện thực với bản thân. Tôi cảm thấy rất biết ơn khi được học ở Karlskrona, nơi mà các thầy cô luôn chú trọng hoạt động “ngoại khóa” và kết hợp uyển chuyển các hoạt động này vào chương trình chính khóa. Mark Twain từng nói “Don’t let schooling interfere with your education” (tạm dịch là “Đừng để trường lớp cản trở con đường học tập của bạn”) để nêu lên tầm quan trọng của việc mỗi người có cách học và phát triển riêng. Đôi khi học ở trường lớp chưa chắc đã giúp bạn hiểu sâu sắc vấn đề. Việc chúng ta học trên giảng đường có thể giúp chúng ta biết kiến thức nhưng điều đó có ích gì cho chúng ta trong cuộc sống?
Những thầy cô dẫn dắt chúng tôi ở ngôi trường này luôn muốn giúp học trò thật sự hiểu vấn đề và áp dụng hiểu biết đó vào cuộc sống. Họ thường ví mình với những người làm vườn với quan điểm không thể ép cây lớn nhanh, lớn đều như nhau được bởi mỗi cây có đặc thù và tiềm năng riêng biệt. Điều tốt nhất ta có thể làm là tạo không gian và điều kiện dinh dưỡng tốt nhất cho cây phát triển theo khả năng của nó. Đến một ngày khi cái cây ấy đủ trưởng thành thì tự nó sẻ ra hoa, kết trái.
Trong chia sẻ: Du học Thụy Điển – Con đường từ “biết” tới “thấu hiểu” tác giả Nguyễn Tuấn Lương, Thạc sĩ Lãnh đạo chiến lược vì phát triển bền vững
Phần 1: Học bền vững để làm gì cho đời
Phần 2: Con đường tới Thụy Điển