Môi trường nuôi dưỡng trí tò mò – thầy cô dạy ít, học sinh tự đặt và tìm câu hỏi
Việt Nam ta có câu “không thầy đố mày làm nên”. Còn trong lớp học của chúng tôi, các thầy cô lại có góc nhìn ngược lại, đó là quá nhiều thời gian nghe giảng sẽ cản trở việc hiểu thật sự của sinh viên. Thay vào đó, họ luôn nhấn mạnh các thầy cô không phải là những người có kiến thức đúng tuyệt đối, “chuẩn không cần chỉnh”, mà nhiệm vụ của họ là những người dẫn dắt và tạo điều kiện cho chúng tôi tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời của riêng mình. Họ gần gũi với chúng tôi như những người bạn, luôn cởi mở khuyến khích chúng tôi phản biện lại những điều chúng tôi thấy chưa hợp lý trên lớp. Thi thoảng hứng lên thì lại rủ nhau đi fika (‘đến quán cafe” theo cách nói của người Thụy Điển) để tâm sự việc trong và ngoài lớp.
Lớp tôi có 48 bạn đến từ 27 quốc gia, độ tuổi từ 23 tới 54. Đây là nhóm đa dạng về văn hóa lớn nhất tôi từng được học cùng với các bạn đến từ cả 5 châu lục trên thế giới. Trong các tiết học, thầy cô luôn tôn trọng sự đa dạng này và nhấn mạnh rằng việc học hỏi từ quan điểm và kiến thức của các bạn trong lớp có giá trị hơn là từ thầy cô. Các tiết học đều được thiết kế rất “phá cách” so với kiểu học truyền thống, khuyến khích chúng tôi tương tác và tự tìm tòi. Học không nhất thiết phải có bàn ghế, đôi khi bọn tôi quẳng hết bàn ghế sang một bên, ngồi bệt xuống đất để lắng nghe nhau.
Việc được học tập trong một môi trường có thành phần đa dạng với không gian trao đổi liên tục và cởi mở đã giúp tôi phát triển bản thân rất tốt. Chúng tôi không có những bài giảng “ru ngủ” mà đa số là các cuộc thảo luận, nghiên cứu và chia sẻ với các bạn trong lớp về những chủ đề đa chiều như kinh tế, biến đổi khí hậu hay khoa học phức hợp (complexity science).
Đi kèm với thảo luận nhóm là các chương trình học và cách dẫn dắt rất độc đáo của thầy cô. Chúng tôi bắt đầu nhiều tiết học bằng việc ngồi theo vòng hình tròn và dùng phương pháp check-in & check-out, rồi chuyền tay nhau một chiếc talking piece (một vật nhỏ cầm tay cho phép người cầm nó phát biểu) và lần lượt chia sẻ ý kiến của bản thân về một vấn đề hoặc câu hỏi chung của cả lớp. Với một lớp 48 con người thì đôi khi mất cả tiếng để mọi người có lượt chia sẻ của mình. Nhìn từ bên ngoài thì đã có rất nhiều người nhanh phán xét rằng cách này nhìn cứ như tôn giáo hay mấy hội hỗ trợ như Alcoholic Anonymous khóc lóc suốt ngày với nhau ý nhỉ? Góc nhìn này có thể dễ hiểu đối với những người có thói quen chỉ nhìn vấn đề trên bề mặt và nhanh trong tuyên bố mình biết rồi.
Vậy tại sao cách này lại được kết hợp vào trong một chương trình thạc sĩ chính quy? Một trong những điều kỳ diệu của việc đặt câu hỏi đó là sự kích thích trí tò mò của bản thân. Check-in/Check-out là một phương pháp để mời mọi người cùng hiện diện và chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của bản thân sao cho tiếng nói của ai cũng được lắng nghe để họ được là chính mình trong lúc đó. Sau đó, thầy cô có thể đưa ra cho chúng tôi 1 câu hỏi để suy nghĩ và để chúng tôi ra khỏi lớp, đi dạo quanh trường để ngẫm về câu hỏi đó. Lớp tôi là thế đó. Mặc dù đang trong tiết học nhưng thầy cô có thể cho học sinh ra ngoài trường, muốn đi đâu thì đi, miễn quay về đúng giờ và chia sẻ được suy nghĩ của mình. Có bạn lớp tôi còn nhảy xuống biển bơi trong thời gian này.
Những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững đều rất phức tạp và không bao giờ có một câu trả lời đúng duy nhất do tính chất biến đổi nhanh và đặc thù của từng khu vực trên thế giới. Vì vậy có sự đa dạng về quan điểm và kinh nghiệm là điều vô cùng quý giá để giúp chúng tôi hiểu rõ bản chất của sự việc, tránh tư duy giáo điều.
Một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong tháng đầu tiên của tôi ở đây là chuyến đi nông trại Mundekulla cùng lớp. Đây là chương trình chính thức trong khóa học. Cả lớp và thầy cô đến một nông trại hữu cơ để cùng học và vui chơi vào cuối tuần.
Tại đây chúng tôi được gần gũi với thiên nhiên, ăn những món chay rất ngon, có không gian để chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa nhất với mình, chơi trò chơi thử thách với các bạn trong lớp, đi hái nấm trong rừng, chơi nhạc đánh trống và cắm lửa trại…Điều đặc biệt nhất là đa số những hoạt động trên đều do các bạn trong lớp tự tổ chức chứ không phải là thầy cô sắp đặt trước.
Việc các thầy cô tạo không gian để học sinh tự chịu trách nhiệm và chủ động tổ chức hoạt động ngoại khóa luôn là điều tôi đánh giá cao. Thậm chí các thầy cô còn cùng tham gia các hoạt động bọn tôi tổ chức như những người bạn. Tôi đã phát hiện ra mình có niềm đam mê đánh trống tiềm ẩn chính nhờ cuối tuần này.
Những trải nghiệm ngoại khóa này không chỉ giúp tôi mở mang đầu óc mà còn cảm thấy trái tim mình kết nối với thiên nhiên và con người nhiều hơn.
Trong chia sẻ: Du học Thụy Điển – Con đường từ “biết” tới “thấu hiểu” tác giả Nguyễn Tuấn Lương, Thạc sĩ Lãnh đạo vì phát triển bền vững
Phần 1: Học bền vững để làm gì cho đời
Phần 2: Con đường tới Thụy Điển